Khu di tích danh thắng Núi Voi - Xuân Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng từ lâu được xem xét đánh giá về tiềm năng giá trị với 4 nét nổi bật là:
- Giá trị về khảo cổ học.
- Giá trị về văn hoá, lịch sử (trong đó có nét đặc sắc về văn hoá tâm linh).
- Tiềm năng giá trị về thắng cảnh du lịch.
- Tiềm năng về văn hoá ẩm thực và văn hoá dân gian.
Người xưa đã nhận định về Núi Voi:
“Thực thực kỳ đình Tây vọng Tượng sơn tác đới
Hoàng hoàng uy liệt, Đông lưu Đằng thuỷ câu truyền”
Nhiều hiện vật tìm được ở Núi Voi chứng minh người cổ ở đây xuất hiện rất sớm cuối thời đại đồ đồng, đầu thời đại đồ sắt cách đây khoảng trên 2500 năm. Là một trong những địa điểm khảo cổ học lớn ở miền ven biển Đông Bắc nằm giữa hành lang Đông Tây, giữa nền văn hoá Đông Sơn và văn hoá Hạ Long. Núi Voi là vùng đất cổ kính chứa đựng một kho tàng văn hoá phong phú, quê hương của nhiều danh tài, mặc sĩ. Nhiều công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu) được xây lại, từ thế kỷ XI - XII được sử sách ghi lại cùng với tháp Tường Long (Đồ Sơn) hình thành nên như một trong những trung tâm phật giáo đô hội sầm uất của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ, có danh nhân Bùi Mộng Hoa mở trường dạy học từ thế kỷ XI, cùng thời với Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Trong Biên niên sử ngành giáo dục, Đào tạo thành phố Hải Phòng đã ghi rõ cũng là nơi có rât nhiều di tích lịch sử từ thời hai bà Trưng với nữ tướng Lê Chân - Bà đã từng chiêu tập binh mã và tích trữ lương thảo ở Núi Voi để che mắt quân thù và xây dựng thành căn cứ đánh giặc ở đây. Đến thời nhà Mạc đã xây dựng thành quách, Vương triều, huyện quận... để lại như một dấu tích về giang sơn nhà Mạc. Núi Voi còn được xem như một thành luỹ bảo vệ Thành phố Cảng trong suốt đường dài lịch sử kháng chiến của ông cha ta, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến thần thành vừa qua. Về thắng cảnh thì Núi Voi - Xuân Sơn khá độc đáo với sơn thuỷ, hữu tình (hai con sông Lạch Tray và Đa Độ bao bọc hai bên). Nhiều hang động kỳ thú, núi đồi quần tụ, rừng cây tươi tốt trải dài trên sườn đồi, thung lũng mở rộng trên một diện tích gần 300 ha. Du khách từ xưa ngưỡng mộ yêu mến cảnh quan nơi này, quả là thuận lợi vô cùng cho nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng thời nay. Về văn hoá ẩm thực và văn hoá dân gian từ xưa cũng nổi tiếng với một số sản vật của vùng núi rừng, vùng đất cổ Câu Lậu. Đúng như nhiều nhà nghiên cứu, quản lý đã nhận định: Núi Voi có rất nhiều giá trị, đáng chú ý là những giá trị riêng độc đáo. Nếu người ta thích hưởng ngoạn thì có quang cảnh sơn thuỷ hữu tình, hang động kỳ thú, rừng núi thâm sâu. Người ta thích tìm hiểu lĩnh hội, nghiên cứu về văn hoá lịch sử thế Núi Voi đầy ắp những sự kiện, nay có cả một bảo tàng. Cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng giảm nhẹ ưu phiền, căng thẳng thì có chùa chiền, đền đài, miếu mạo ẩn hiện nơi núi non huyền ảo - nơi từng là một trong những trung tâm phật giáo đô hội sầm uất từ thế kỷ XI - XII. Người ta muốn thưởng thức hương vị đậm đà của quê hương, xứ sở thì đã có những hoa trái ngọt ngào, những sản vật và nguồn thực phẩm độc đáo của núi rừng, những sản phẩm văn hoá tinh thần thú vị, nhẹ nhàng, thấm đẫm chất văn hoá dân tộc truyền thống. Rõ ràng ở ngay trong một Thành phố công nghiệp lớn có được Núi Voi với những ưu việt nhằm đáp ứng thoả mãn những nhu cầu căn bản về du lịch - nghỉ dưỡng (như trên đã nêu) thật quả là một điều vô cùng quí báu mà ta không thể bỏ qua được.
Nếu nhìn tổng thể cảnh quan du lịch Núi Voi chắc chắn không thể thiếu chỗ đứng của nó với thế mạnh về nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái, văn hoá. Có khả năng đáp ứng suốt cả bốn mùa chứ không chỉ nghiêng mạnh về mùa hè du lịch biển. Từ đó thấy du lịch Núi Voi có thể và cần phải lấp chỗ trống và làm đa dạng hoá thị trường, sản phẩm du lịch Hải Phòng; đáp ứng nhu cầu cho hàng chục vạn người lao động nhất là vào dịp nghỉ cuối tuần. Với đường giao thông thuận lợi như hiện nay - Núi Voi chỉ cách trung tâm Thành phố 17 - 18 km thì chẳng có khó khăn gì lớn cho việc đi lại của nhiều người dân Thành phố và các tỉnh bạn. Chính nhờ những căn cứ trên và sự cần thiết cấp bách mà qui hoạch về khu nghỉ dưỡng - du lịch Núi Voi đã được xây dựng và được UBND Thành phố duyệt từ đầu năm 1995 tại Quyết định số 439/QĐ-UB ngày 14/4/1995 do Phó Chủ tịch Trần Huy Năng ký. Hơn 10 năm qua, Thành phố và Trung ương cũng đã có đầu tư kinh phí để làm đường giao thông, tôn tạo di tích và làm một số công trình khác. Tuy nhiên, việc cấp vốn đầu tư xây dựng cũng có gặp khó khăn. Nhiều hạng mục công trình, nhất là những công trình có ý nghĩa quan trong của khu di tích chưa được thực hiện.
Để thực hiện qui hoạch trên một cách có hiệu quả, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, chúng tôi đề nghị cần đánh giá cho đúng những giá trị, tiềm năng hiếm có của khu di tích, danh thắng này và xem xét quyết định việc ưu tiên trước cho những công trình mang tính đột phá như:
- Về cơ sở hạ tầng, ví dụ: cải tạo, nâng cấp, làm mới đường (từ Đại lộ 10, tỉnh lộ 357 vào khu vực này và mở rộng đường ). Đầu từ để khôi phục lại hồ nhà Mạc nhằm điều hoà khí hậu, nhất là vào mùa hè. Xây dựng công trình cấp nước, điện cho các khu (cả trên núi).
- Về tôn tạo di tích: xây dựng các công trình: chùa, đền có ý nghĩa đặc biệt về văn hoá, xứng với qui mô đã từng là trung, đại danh lam của quốc giá Đại Việt (chùa Long Hoa, Đền Hang, chùa Bụt Mọc, đình chùa Chi Lai). Xây mô phỏng lại An Dạy học của Tiến sĩ Nguyễn Hoa trên Núi Voi.
- Xây khu nhà nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí.
- Tiếp đến là làm các công trình, hạng mục khác nằm trong qui hoạch đã nêu.
Việc ưu tiên như nêu trên cũng có thể coi là biện pháp tháo gỡ khó khăn, bế tắc hiện nay. Bởi vì chỉ có mở màn đột phá mạnh vào những công trình ấy thì mới có khả năng thu hút được các nhà đầu tư, mới hấp dẫn được du khách, mới làm tiền đề cho triển khai những hạng mục, công trình về sau. Riêng về đào hồ là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Có hồ là có cái để khắc phục hạn chế lớn của Núi Voi hiện này và sẽ đem được cái mênh mông, mát mẻ vào trong núi. Mùa hè không còn là điều đáng ngại đối với du khách khi vào trong vùng núi đá nữa. Hơn 10 năm qua, cũng vì lí do này mà khách đến rất ít hoặc không đến với Núi Voi vào hai mùa hè, thu. Nếu có hồ nước sẽ tạo thêm cảnh quan sơn thuỷ hữu tình cho Núi Voi. Điều quan trọng là tiện dụng cho khách cả bốn mùa. Mà ở nội thành thì không thể có điều kiện làm hồ lớn như vậy. Khơi được hồ thì sẽ còn kéo theo hàng loạt các công trình vui chơi giải trí, thể thao dưới nước ở nơi có địa điểm lý tưởng này.
Với tinh thần đó, chúng tôi thiết tha đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hoá thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Du lịch, Thành uỷ HĐND, UBND Thành phố cùng các ngành hữu quan, quan tâm chỉ đạo hơn nữa, làm rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế - xã hội, rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhất là tập trung ưu tiên cho những công trình có ý nghĩa, vai trò đột phá cho khu vực này. Đối với địa phương, lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện An Lão chúng tôi sẽ nỗ lực tăng cường tuyên truyền, quảng bá, phối hợp với các ngành trên Thành phố kêu gọi đầu tư và từng bước huy động nguồn vồn tại chỗ, góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ khu nghỉ dưỡng - du lịch Núi Voi, xây dựng huyện An Lão giàu đẹp và góp phần xây dựng Thành phố cảng hiện đại, văn minh./.
Đ/c Nguyễn Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện An lão