image banner
Bài dự thi: Công tác chuyển đổi số trong tuyên truyền bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở huyện An Lão
Công tác chuyển đổi số trong tuyên truyền bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở huyện An Lão

An Lão là vùng đất cổ, không chỉ là nơi giao thoa nhiều nét văn hóa phong phú, đa dạng mà còn là miền quê giàu truyền thống hiếu học, nơi đã sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh nhân. Với 55 di tích lịch sử đã được xếp hạng gồm 05 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp thành phố; 43 di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND thành phố phê duyệt; 35 lễ hội từ cấp huyện đến cấp cơ sở trong đó có 19 lễ hội gắn với di tích đã minh chứng An Lão là huyện có bề dày lịch sử. Mỗi di tích đều để lại dấu ấn văn hoá của người Việt từ ngàn xưa qua các thời kì lịch sử, là một di chỉ khảo cổ đã gắn liền với những chứng tích của người tiền sử mà các nhà khảo cổ học đã khai quật, chứng minh. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cũng là trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực văn hóa được đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và khẳng định: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi/ Văn hóa còn thì dân tộc còn". Theo đó, sau Hội nghị này nhằm làm tốt công tác bảo tồn di sản đồng thời đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác quảng bá văn hóa di sản Việt Nam với thế giới, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số đã và đang được quan tâm thiết thực. 

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy; Quyết định của UBND thành phố về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão đã ban hành Nghị quyết số 89-NQ/HU ngày 11 tháng 01 năm 2022 về chương trình Chuyển đổi số huyện An Lão đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân huyện An Lão ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 28/02/2024 về Chuyển đổi số trên địa bàn huyện An Lão năm 2024. Theo đó, huyện An Lão đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, trên nhiều lĩnh vực nhằm hoàn thành các chỉ tiêu. Việc phát triển công nghệ số đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn huyện An Lão đã có những hiệu quả tích cực, tạo cầu nối để thế hệ hôm nay dễ dàng tiếp cận những giá trị di sản của dân tộc.

Để di sản đến gần với người dân và du khách thì số hóa di sản là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp nhằm tối ưu việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện nay, hướng tới phát triển du lịch thông minh. Bên cạnh đó để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đòi hỏi cần có sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích cũng như cần có công cụ phương tiện quản lý khoa học, hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị di sản. Do đó việc ứng dụng công nghệ số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì gìn giữ và phát huy nâng tầm các giá trị di tích văn hóa truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế huyện An Lão phát triển.

Hiện nay, công nghệ VR360 được nhìn nhận là một giải pháp tiềm năng để số hóa di tích lịch sử và giữ gìn bảo tồn các giá trị lịch sử quan trọng. Cùng với xu hướng đó, giải pháp trải nghiệm thực tế ảo MobiFone VR360 là giải pháp công nghệ số mô phỏng thế giới thực trong không gian ảo, giúp người dùng dễ dàng quan sát toàn cảnh không gian, tương tác và cảm nhận những góc nhìn chân thực nhất, mang lại nhiều lợi ích lớn, MobiFone VR360 cung cấp phương thức truyền thông mạnh mẽ, nhằm truyền tải thông điệp sản phẩm, dịch vụ một cách sống động và hấp dẫn. Tại nhiều di tích lịch sử của huyện An Lão đặc biệt là các di tích được xếp hạng cấp quốc gia đã ứng dụng tốt công nghệ số trong hoạt động thuyết minh, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người tham quan. Đó là hướng đi đúng đắn hiệu quả giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới. 

Vừa qua, huyện An Lão đã phối hợp với Sở Du lịch và MobiFone Hải Phòng triển khai thực hiện giải pháp  VR360 trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử tại 02 di tích quốc gia: Di tích lịch sử danh thắng Núi Voi (đường link truy cập: https://s3.cloudfly.vn/teracom-vr360/v3/Nui-Voi/index.htm?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo) và di tích lịch sử Đền thờ trạng nguyên Trần Tất Văn (đường link truy cập:  https://smarttravel-vr.mobifone.vn/vr-tour/den-trang-tran-tat-van)

Description: Anh mã code VR360       

Một số hình ảnh quét mã QRCODE tìm kiếm thông tin qua giải pháp VR360               

Chương trình số hóa di sản được xem là bước tiến mới của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ngoài chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn hiện nay, số hóa di sản cũng giúp các giá trị được lan tỏa, quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ... Khi di tích được số hóa, Ban quản lý các di tích và các thế hệ sau cũng thuận lợi hơn trong việc tu bổ, phục dựng, nhất là trong trường hợp di tích bị xóa sổ bởi thiên tai, hỏa hoạn…

Đặc biệt, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc số hóa di sản chính là cầu nối để các thế hệ thỏa sức sáng tạo, vừa lưu giữ tốt di sản của cha ông, vừa phát triển kinh tế hiệu quả. Công tác giữ gìn và khai thác di tích gắn với phát triển du lịch là nền tảng cơ bản để giữ gìn và phát huy giá trị di tích, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tồn di tích để tăng tính hấp dẫn, từ đó tuyên truyền hiệu quả và thu hút khách tham quan.

Description: Đền trạng TTV

Số hóa di tích lịch sử - văn hóa là bước đột phá của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di tích. Không lo ngại đến việc lưu giữ những hình ảnh, tài liệu, di tích bị mai một theo thời gian. Số hóa như kho lưu trữ thông tin khổng lồ và có thể đưa ra kết quả tìm kiếm nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, số hóa có thể làm giảm những tổn hại trong quá trình du khách tham quan, bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thuộc về tự nhiên. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện An Lão đã chỉ đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phòng Văn hóa và Thông tin và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa nhằm cung cấp chính xác dữ liệu, hình ảnh, tài liệu liên quan đến các khu di tích, địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh, chỉ cần sử dụng điện thoại để quét mã QR-Code, người dùng có thể nhận đầy đủ thông tin, hình ảnh về địa điểm, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cũng như hiểu hơn về giá trị lịch sử của di tích lịch sử mà không cần đến hướng dẫn viên du lịch giới thiệu. 

Đến nay trên địa bàn huyện An Lão đã triển khai gắn mã QR-Code tại 33 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, tiêu biểu như: Di tích Đền thờ nữ tướng Lê Chân nằm trong khu di tích quốc gia - di tích lịch sử danh thắng Núi Voi, Đền thờ Lê Khắc Cẩn, Đền thờ trạng nguyên Trần Tất Văn đã được gắn mã QR-Code.  

Việc triển khai mô hình số hóa không chỉ tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch mà còn thể giúp ban quản lý di tích có thể dễ dàng quản lý các thông tin, tài liệu một cách khoa học. Giảm thiểu thời gian cho công việc cập nhật, tìm kiếm của ban quản lý. Đồng thời mang đến sự thuận tiện cho khách du lịch, không cần phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm và xác thực mức độ tin cậy của một thông tin liên quan đến di tích, tất cả đều được tổng hợp trong QR code của địa điểm. 

Bước đầu tạo được kết quả đó đã kết nối liên thông thành hệ thống quản lý chung trên phạm vi toàn huyện. Đẩy mạnh việc số hóa, chuyển đổi số hình thành cơ sở dữ liệu về di tích tiến tới cập nhật nền tảng bản đồ số. Nâng cao năng lực cán bộ   trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ.

Di tích không chỉ là tài sản vô giá của mỗi địa phương mà còn là di sản chung của đất nước, đây chính là nơi lưu giữ những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống và lịch sử oai hùng của dân tộc. Do vậy, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là vô cùng quan trọng và cần thiết. Hằng năm, huyện An Lão đều tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa và năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã đăng ký mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về di sản góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa”. Qua đó, nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh mô hình “dân vận khéo” nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, công chức, của những người tham gia làm công tác quản lý về di sản góp phần nâng cao nhận thức về giá trị di tích và ý thức chấp hành pháp luật về di tích, bảo vệ di tích trong cộng đồng.

Số hóa di tích lịch sử - văn hóa đưa các di tích đến gần hơn với du khách trong thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài. Với hình thức quảng bá trực tuyến, số hóa di tích lịch sử giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng và chính xác. Việc tìm hiểu vị trí địa lý và thông tin về các di tích lịch sử không chỉ dừng lại ở du khách trong nước mà còn tạo điều kiện để du khách nước ngoài có mong muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa giúp quá trình truyền thông được tiếp cận đến nhiều đối tượng khi hoạt động tốt trên nhiều nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Website...  

Hiện nay, tuy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích còn khá mới, còn có những khó khăn, thách thức như: việc xây dựng các nội dung cần thực hiện số hóa, các tiêu chí thực hiện, việc khảo sát, tập hợp tư liệu, việc cải tạo xây dựng sao cho phù hợp, nguồn kinh phí để duy trì áp dụng thực hiện giải pháp VR360, cơ sở hạ tầng đồng bộ để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số tại các di tích còn một số hạn chế. Nhưng đây chính công cụ, phương thức tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người quê hương An Lão. 

Thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn thực hiện các giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động, triển khai hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” đồng thời tiếp tục thực hiện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động quảng bá di sản văn hóa góp phần tích cực vào quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm đưa di sản văn hóa trở thành những sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng huyện An Lão ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Phòng Văn hóa và Thông tin 

btvhuyenanlao
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0