Cụm di tích Đình - Chùa Tiên Cầm, xã An Thái được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2005.
Chùa Tiên Cầm tên chữ là Linh Quang tự có lịch sử hình thành gắn với sự phát triển mở mang làng xã địa phương. Theo dòng lịch sử địa phương, trang Tiên Cầm có từ thời Trần, giữa thế kỷ thứ 12, đầu thế kỷ thứ 13. Chùa thờ công chúa triều Trần là Quý Ngọc Uyển Diệu vì không chịu cảnh lộn xộn, bất hòa trong gia tộc đã xin đi khai khẩn ruộng đất rồi lập ra làng Tiên Cầm. Trải qua thời gian và lịch sử, chùa được tôn tạo nhiều lần, sau đó tiếp tục được nhân dân tu sửa vào các năm 1997, 2004 với diện tích 5.109,3 m2 theo lối kiến trúc chữ Đinh gồm 03 gian tiền đường, 01 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài. Cổ vật còn lại của chùa gồm: 03 pho Tam Thế, tượng A Di đà, Quan Âm Tống Tử, Lồng Tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh). Ban thờ Mẫu, ban thờ Đức Ông, niên đại nghệ thuật Nguyễn thế kỷ 19, 01 bia hậu Phật (Tự Đức 5-1853). Giai đoạn 1946 – 1954, chùa Tiên Cầm có 2 hầm bí mật tại gian vọng cung và lối vườn sát lũy tre là cơ sở hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền huyện An Lão và cán bộ xã Trần Thành (tên gọi cũ của xã An Thái). Suốt thời gian Hải Phòng, Kiến An bị địch tạm chiếm, chùa Tiên Cầm giữ vị trí quan trọng, vì nơi đây giao thông thuận lợi, hầm hố an toàn, là trận địa lòng dân ủng hộ cách mạng và kháng chiến. Hàng năm, chùa tổ chức lễ hội vào ngày giỗ sư tổ, Lễ Phật Đản 08/4 Âm lịch.
Đình Tiên Cầm tồn tại trong cộng đồng dân cư Tiên Cầm như một nhân chứng lịch sử sống động, góp phần bổ sung vào tư liệu kháng chiến chống giặc ngoại xâm của xã, huyện và thành phố trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đình hiện nay thờ 4 vị thành hoàng: Cao Minh (tên húy là Nguyên); Bùi Anh Nghị (tên húy là Đạt); công chúa Quý Ngọc uyển diệu thường gọi là công chúa Thần Tiên và Mộc Lưu (chưa rõ tên húy). Theo thần tích, Cao Minh quê ở trang Chí Linh và Bùi Anh Nghị quê ở trang Tiên Cầm và Văn Khê là anh em họ cùng đỗ thái học sinh thời Trần. Cao Minh giữ chức Nội thị, còn Bùi Anh Nghị giữ chức Quân úy. Tháng 8 năm Bính Tý, có giặc Chiêm Thành làm loạn, vua sai Cao Minh làm quan tham mưu, Bùi Anh Nghị làm Dực tán quân vụ cùng Trần Tông đi đánh giặc bắt được tướng Bố Đông, thắng trận Cao Minh được phong Đô úy phủ, Bùi Anh Nghị được phong Phát vận sứ. Hai ông dâng biểu xin vua cho dân trang Tiên Cầm không phải đóng sưu thuế cho nhà nước, vì vậy dân làng Tiên Cầm lập đền thờ hai ông làm phúc thần. Đình được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIX, theo lối kiến trúc chữ Đinh gồm 05 gian tiền đường và 02 gian chuôi vồ. Đình được trùng tu năm 1939 và tiếp tục trùng tu, tôn tạo vào các năm 1995, 2005.
Trong cuộc chiến tranh yêu nước từ phong trào Cần Vương – Mạc thiên binh thế kỷ 19. Tiên Cầm là địa bàn hoạt động chủ yếu của Đề Tất (An Áo). Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở cách mạng, che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.
Hằng năm từ ngày 14 - 15/02 (âm lịch) tại Đình Tiên Cầm, chính quyền và nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống, trong lễ hội có phần rước Thành Hoàng từ miếu về đình long trọng. Đi đầu đoàn rước là đội hình cầm hương án, bộ bát bửu và đội hình khiêng kiệu bát cống đặt bài vị Thành hoàng rước từ hậu cung ra sân đình. Việc tuyển lựa thanh niên vào đội hình rước kiệu khá khắt khe thường kén hàng đinh tráng trong thôn, đầu chít khăn xếp, đi hài kiểu “Gia Định”, đi sau kiệu bát cống có tàn lọng, tiếp theo là cờ hiệu (cờ tiết mao), chiêng, trống, bát âm (dàn nhạc) đến bô lão, các ban ngành, đoàn thể sau cùng là dân làng. Trong lễ hội, ngoài phần rước thành hoàng, đình tổ chức nghi thức tế thánh, mời đoàn chèo về biểu diễn phục vụ nhân dân và tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: đấu cờ, đấu vật, chọi gà, bắt vịt... Sự ấm áp trong ngày lễ hội lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc cổ truyền, là dịp để người dân thôn Tiên Cầm thêm tự hào, giáo dục con cháu nhớ về quê hương, nguồn cội.
HY